Các Loại Hàn 

+ HÀN CAO TẦN: (HCT)

-Phương pháp hàn nóng chảy, trong đó các mép hàn được nung nóng đến trạng thái dẻo bằng nguồn nhiệt của dòng điện cao tần (103 – 104 Hz), sau đó ép lại thành mối hàn.

-HCT được dùng nhiều trong công nghệ chế tạo ống và các sản phẩm sản xuất hàng loạt từ băng thép dải. Tốc độ hàn cao tới 50 m/min.

+HÀN DƯỚI NƯỚC: (HDN)

-Phương pháp hàn hồ quang điện đặc biệt được tiến hành dưới nước.

-Que hàn có hai lớp thuốc bọc, lớp bên trong có tính năng như thuốc bọc que hàn thường, lớp bên ngoài có tính năng cách nước.

-Thuốc bọc que hàn dưới nước có độ bền cao, cách nước, cách điện cho lõi que (không bị hở điện trong nước) và giữ cho hồ quang cháy ổn định trong bong bóng khí, hình thành và khôi phục không ngừng do nước bao quanh bị phân tách và bốc hơi dưới tác dụng của phóng điện hồ quang.

-HDN thường dùng để sửa chữa tàu, thuyền, các công trình dưới nước (ống dẫn, đập nước, vv.).

+HÀN ĐIỆN TIẾP XÚC: (HDTX)

-Hàn áp lực, trong đó dùng nguồn nhiệt Jun – Lenxơ để nung nóng chỗ tiếp xúc hàn đến trạng thái hàn và được ép vào nhau.

-Theo phương pháp nung nóng, phân ra: HĐTX bằng điện trở và bằng nóng chảy. Theo dạng mối hàn, có: hàn giáp nối, hàn điểm (phổ biến nhất) và hàn đường (hàn lăn). Dùng HĐTX để nối đường ray, ống, thùng, bình chứa chịu áp suất cao và các sản phẩm khác bằng thép và hợp kim nhôm.

-HĐTX giáp mối có thể nối các phần tử có diện tích mặt cắt ngang từ 10 đến 10.000 mm2.

-HĐTX dùng năng lượng tích luỹ trong hệ thống tụ điện gọi là hàn điện xung.

+ HÀN HỒ QUANG: (HHQ)

-Phương pháp hàn nóng chảy, trong đó kim loại tại chỗ nối (kể cả kim loại bổ sung) được nung chảy bằng nguồn nhiệt hồ quang điện, sau đó kim loại đông đặc thành mối hàn.

-Có các loại: HHQ tay, HHQ tự động và nửa tự động, hàn nhiều hồ quang, HHQ acgon (trong môi trường khí bảo vệ là acgon để hàn tấm mỏng bằng thép không gỉ, hợp kim niken, nhôm, magie, vv.).

-Phân biệt: HHQ bằng que hàn chảy và HHQ bằng que hàn không chảy (than, graphit, vonfram), cần kim loại bổ sung đưa vào vùng hồ quang.

-Những phương pháp HHQ chủ yếu: hàn bằng que bọc thuốc, hàn có trợ dung, hàn trong khí bảo vệ. Phương pháp HHQ lần đầu tiên được nhà sáng chế người Nga Bênacđôt (N. N. Benardos) giới thiệu tại Pari (Pháp) năm 1881 (được cấp bằng sáng chế năm 1885).

+ HÀN HƠI: (HH)

-Dạng hàn nóng chảy, trong đó kim loại chỗ nối (kể cả kim loại bổ sung) được nung chảy bằng ngọn lửa của hỗn hợp khí cháy (như axetilen) với oxi, sau đó kim loại đông đặc thành mối hàn.

-Hỗn hợp khí cháy được phụt ra qua mỏ hàn và được đốt chảy thành ngọn lửa hàn ngoài mối hàn. HH được dùng nhiều để hàn tấm, ống mỏng bằng thép, đồng, nhôm (khung xe đạp, dàn lạnh, vv.).

-HH còn dùng để nung chảy hợp kim độ bền cao trong công nghệ sửa chữa và dùng phổ biến để cắt, pha thép tấm.

+ HÀN NGUỘI: (HN)

-Dạng hàn áp lực, không nung nóng bằng các nguồn năng lượng ngoài. Quá trình HN thực hiện ở nhiệt độ bình thường, nhờ tác dụng của lực ép, kim loại biến dạng dẻo tự do hoặc chèn ép tạo ra mối nối.

-HN thường dùng để nối các dây dẫn bằng nhôm, đồng và hợp kim tương ứng. Còn dùng để hàn các vật liệu khác loại (thuỷ tinh, chất dẻo, vv.), để phủ đồng lên thanh góp bằng nhôm, nối ống và vỏ nhôm có thành mỏng, vv.

+ HÀN TỰ ĐỘNG:

Hàn hồ quang điện dùng que (dây) hàn kim loại, đôi khi que hàn than, công việc dẫn dây hàn và chuyển dịch hồ quang theo đường hàn được cơ khí hoá.

-Nếu chỉ cơ khí hoá việc dẫn dây hàn gọi là hàn nửa tự động. HTĐ có năng suất và chất lượng cao. Phân loại theo môi trường bảo vệ mối hàn, có: HTĐ dưới lớp thuốc, HTĐ trong môi trường khí bảo vệ.

+ HÀN VẢY: (HV)

-Công nghệ ghép nối các chi tiết, chủ yếu bằng kim loại ở trạng thái nóng rắn, nhờ vật liệu nóng chảy trung gian gọi là vảy hàn (chất hàn), được đặt ở khe hở giữa hai chi tiết hàn.

-Vảy hàn nóng chảy điền đầy khe hở giữa các bề mặt tiếp xúc do tác dụng của lực mao dẫn, sau đó khuếch tán và kết tinh tạo ra mối nối. Các vảy hàn đều có nhiệt độ chảy thấp hơn nhiệt độ chảy của chi tiết hàn.

-Phân loại HV thành: HV thiếc, HV đồng, HV bạc, nếu vảy hàn cứng thì chỗ HV phải được nung nóng trong các lò hộp, lò hầm… bằng mỏ đốt, hồ quang điện, dòng điện cao tần, vv.

+ HÀN RÈN: (HR)

-Dạng đơn giản của hàn áp lực, lúc đầu dùng nhiệt nung nóng vật hàn đến trạng thái dẻo, sau đó dùng lực đập của búa tay hoặc búa máy để thực hiện quá trình biến dạng dẻo và tạo liên kết hàn.

-HR chất lượng kém, năng suất thấp, thường dùng hàn vật liệu thép cacbon thấp và nối các vật rèn. Trong công nghệ rèn thủ công dao, kéo và dụng cụ thợ mộc,

-HR ghép một mảnh thép cacbon cao cho phần lưỡi của dụng cụ vào phần thân bằng thép cacbon thấp.

Bình chọn bài viết
//code messenger //